Giới thiệu sách
Giới thiệu sách “Bâng khuâng nhớ cụ thương thân nàng Kiều”
Số lần xem: 1253            Ngày đăng: 1/8/2019 7:50:39 PM

“Bâng khuâng nhớ cụ thương thân nàng Kiều” là tuyển tập thơ do Hội Kiều học Việt Nam tổ chức thực hiện (được xuất bản tháng 11/2015) nhân dịp kỷ niệm 250 năm ngày sinh của Đại thi hào dân tộc, Danh nhân Văn hóa Thế giới - Nguyễn Du.

Mượn câu thơ của nhà thơ Tố Hữu viết năm 1965 cách đây hơn 50 năm khi nhà thơ vào tuyến lửa Quân Khu IV, cũng năm đó thế giới kỷ niệm 200 năm ngày sinh của tác giả Truyện Kiều bất hủ; Tên của bài thơ trang trọng như một lời đề từ: “Kính gửi cụ Nguyễn Du” của một lớp hậu thế với một bậc tiền nhân, trong mạch cảm hứng tri ân sâu sắc: “Nửa đêm qua huyện Nghi Xuân - Bâng khuâng nhớ cụ thương thân Nàng Kiều”.

“Bâng khuâng nhớ cụ thương thân nàng Kiều” là tuyển tập thơ do Hội Kiều học Việt Nam tổ chức thực hiện (được xuất bản tháng 11/2015) nhân dịp kỷ niệm 250 năm ngày sinh của Đại thi hào dân tộc, Danh nhân Văn hóa Thế giới - Nguyễn Du. Khoảng cách thời gian từ bài thơ đầu tập đến cuối tập khoảng hai trăm năm.

Đây là những bài thơ của Hồ Xuân Hương, Nguyễn Hành, Phạm Quý Thích, Chu Mạnh Trinh, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Khuyến,  Phan Bội Châu, Tản Đà,... đến Vũ Hoàng Chương, Lưu Trọng Lư, Lê Trí Viễn, Nguyễn Bình, Huy Cận, Tố Hữu, Chế Lan Viên,... Bằng Việt, Anh Ngọc, Vương Trọng, Thái Thăng Long... các nhà thơ nước ngoài, như: E. Richman, Muriel Rukeyser, Holo Andrase, René Crayssac.

Thứ tự các tác phẩm được xếp tương đối theo thế hệ nhà thơ, chứ không theo vần a, b, c; mục đích để bạn đọc biết được “hành trình” tình cảm của các thế hệ nhà thơ đối với Nguyễn Du và Truyện Kiều.

Từ khi Truyện Kiều ra đời, dân ta không chỉ thưởng thức tuyệt tác này bằng cách ngâm nga mà còn nghĩ ra nhiều “trò chơi văn hóa” khác như Đố Kiều, Bói Kiều, Lẩy Kiều, Tập Kiều và đặc biệt là Vịnh Kiều và sáng tác thơ lấy Truyện Kiều làm chủ đề. Phạm Quý Thích (1760-1825), bạn của Nguyễn Du với bài “Đề từ Đoạn trường tân thanh” được coi là bài Vịnh Truyện Kiều vào loại sớm nhất. Một bài thơ Đường luật thất ngôn bát cú, khá quen thuộc với bạn đọc vì thường được in vào phần đầu của nhiều bản Kiều Nôm cũng như Quốc ngữ. Gọi là Tổng vịnh Truyện Kiều, nhưng bài thơ cũng chỉ tập trung vào nàng Kiều với hai câu kết trở về thuyết “Tài mệnh tương đố”:

Cho hay những kẻ tài tình lắm

Trời bắt làm gương để thế gian

(Đề từ Đoạn trường tân thanh- Phạm Quý Thích)

Đọc lại những bài thơ viết về đại thi hào Nguyễn Du và Truyện Kiều ta thấy mỗi thi sỹ từ những trải nghiệm sống của mình đều có những tâm trạng, nỗi niềm riêng nhưng tất thảy đều có sự đồng vọng, đồng cảm, đồng tình của người xưa với người nay như nhà thơ Tố Hữu đã viết: “Mai sau dù có bao giờ - Câu thơ thuở trước đâu ngờ hôm nay”. Và đặc biệt là nỗi lòng trắc ẩn, tiếng thơ thảng thốt với nhân vật Thúy Kiều: “Đau đớn thay phận đàn bà - Hỡi ôi thân ấy biết là mấy thân” (Tố Hữu). Nhà thơ Trần Mạnh Hảo đã dựng lại một không gian tâm trạng của “Đêm viết Kiều”: “Đêm đặc thành thỏi mực - Tiếng vạc mài nghiên - Từng giọt, từng giọt máu đêm - Nhỏ xuống Thúy Kiều”. Số phận, thân phận của Thúy Kiều đã ám ảnh Thi sỹ: “Ta nhờ vãi Giác Duyên ngồi gác - Đón em về từ cuối màn sương”. Nhà thơ đã hóa thân thành Nguyễn Du trong đêm viết Kiều dồn nén lại bao cung bậc, dựng lại bao khung cảnh, cám cảnh của: “Phải ta đã cùng em mười lăm năm đất Bắc - Gió bấc ăn dần từng mái tranh - Đêm mọt kêu rụng tóc”. Nhà thơ Trương Nam Hương trong “Tâm sự Nàng Thúy Vân” lại hóa thân thành nhân vật Thúy Vân để tâm sự cùng chị Thúy Kiều. Đây cũng là một tứ thư độc đáo: “Chị yêu lệ chẳng đã đành - Chớ em nước mắt đâu dành chàng Kim” để: “Em thành vợ của chàng Kim - Ngồi ru nước mắt tượng hình chị trao”. Đó là một bi kịch mà nhiều nhà sân khấu đã khai thác. Nhưng trong thơ chính là những cung bậc tâm tình, tâm cảm: “Là em nghĩ vậy thôi, Kiều - Sánh sao đời chị ba chiều bão giông” với sự vị tha bao dung của người con gái Việt lấy từ cốt truyện của “Thanh Tâm tài nhân”. Đó cũng chính là bút pháp thơ tài tình, sự trắc ẩn cảm thông của thi hào Nguyễn Du. Nhà thơ Lý Hoài Xuân trong bài “Gặp Nguyễn Du ở bãi biển Nhật Lệ” đã viết: “Trong giấc mơ tôi gặp ông” khi mà: “Nỗi buồn thi nhân lớn hơn nỗi buồn ông Cai Bạ”. Cuộc đời của thi nhân là một chuỗi thăng trầm để cuối cùng: “Tố Như thật khó hiểu - Để lại cho đời cả núi thơ mà không để lại bức chân dung nào”. Câu hỏi đó của Lý Hoài Xuân cũng là nỗi trăn trở trong lòng chúng ta. Vì thế bài thơ “Bên mộ cụ Nguyễn Du” của nhà thơ Vương Trọng đã có sự đồng cảm sâu sắc với bạn đọc: “Tưởng là phận bạc Đạm Tiên - Ai ngờ cụ Nguyễn Tiên Điền nằm đây”. Bây giờ thì khu mộ của Nguyễn Du đã xây lại khang trang, những ngày đó Vương Trọng đến vẫn còn cảnh: “Cụ cùng thập loại chúng sinh nằm kề”. Trong tuyệt tác Truyện Kiều, nhiều lần Nguyễn Du viết về thiên nhiên lấy cảnh để tả tình với những câu thơ đặc sắc làm phong phú thêm vẽ đẹp của Tiếng Việt: Vì thế mà nhà thơ Vương Trọng đã khái quát một phẩm chất thi sỹ trong hồn cốt của đại thi hào “Trái tim lớn giữa thiên nhiên”.

Đọc lại những bài thơ viết về Nguyễn Du, các nhà thơ nghiêng nhiều về thân phận cuộc đời lắm thăng trầm của ông. Đau đời sâu sắc để có sự cảm thông lớn lao của chủ nghĩa nhân văn, nhân đạo không chỉ của riêng mình mà rộng ra mang dấu ấn của cả thời đại. Đó chính là nỗi niềm của nhà thơ Võ Văn Trực trong bài: “Trước trang thơ Nguyễn Du”: “Tiếng nàng như giọt máu rơi - Lật nghiêng trang sách chói ngời nỗi đau”. Nguyễn Du không chỉ nổi tiếng ở Truyện Kiều mà thơ chữ Hán của ông cũng là những viên gạch quý như: “Bắc Hành, Tạp Lục” trong lần đi sứ Phương Bắc. Có lẽ cội nguồn: Quê vợ ở Thái Bình, quê cha Hà Tĩnh và những năm tháng sống ở quê mẹ Kinh Bắc, hồn quê, hồn dân ca Việt đã ngấm vào ông như một mạch nguồn tinh hoa văn hóa Việt. Đặc biệt là làng Tiên Điền - Cái làng quê nghèo, thiên nhiên khắc nghiệt mà Yến Thanh đã viết trong “Lục bát Tiên Điền”: “Làng tôi củ lạc thắt ngang - Quả dưa buộc dọc cho chàng đi thi” đã hội tụ trong thi nhân cái quyết chí của tinh thần hiếu học, coi trọng chữ nghĩa để làm rạng danh văn chương nước nhà với một Truyện Kiều bất hủ.

Khoảng cách thời gian từ bài thơ đầu đến bài cuối tập khoảng hai trăm năm. Những bài thơ trong tập thơ này phần lớn được lựa chọn từ các tuyển tập, sách, báo…đã được thời gian thử thách, chỉ trừ một ít bài mới sáng tác gần đây. Trong đó, một vài bài thuộc thể văn tế, văn điếu, còn chủ yếu là các bài thơ đa dạng về thể loại, từ đường luật, song thất lục bát, lục bát, ngũ ngôn đến thơ tự do của những năm gần đây, đặc biệt thể lục bát được các nhà thơ lưu tâm. Truyện Kiều từng được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới và các nhà thơ quốc tế đã sáng tác nhiều bài thơ về đề tài này.

Thư viện tỉnh Bắc Giang xin trân trọng giới thiệu!

Phạm Hải Huyền

 

Làm thẻ trực tuyến 7 Tra cứu tài liệu in ấn Danh ba dien tu Danh ba dien tu
THỐNG KÊ
825801
  • Tài liệu số: 2365
  • Tổng lượt truy cập: 825801
  • Hôm nay: 125
  • Hôm qua: 131
  • Tuần này: 561
  • Tuần trước: 1261
  • Tháng này: 3258
  • Tháng trước: 3042